Gần 4 năm trước, Giám đốc Marketing của Samsung Younghee Lee tuyên bố, iPhone đã thống trị quá lâu, và dòng Galaxy sẽ là thương hiệu thay thế smartphone từ Apple.
Zing.vn trích dịch bài viết của BGR mô tả cuộc chiến giữa iPhone và Samsung.
Thực tế thị trường 4 năm về sau cho thấy, Samsung đã phần nào ngoa ngôn, vào thời điểm đó, họ cũng thay đổi chiến lược quảng cáo, tập trung vào 2 điểm chính.
Thứ nhất, khá khó tin, là tăng sức nhận diện thương hiệu. Samsung là gã khổng lồ công nghệ, nhưng không phải là tên tuổi đầu tiên được người dùng phương Tây nhớ đến khi mua smartphone.
Thứ hai, họ cố gắng khiến người dùng iPhone trông như những kẻ ngớ ngẩn; biến các iFan thành những con cừu thích thể hiện, những kẻ tự nguyện, và thậm chí phấn khích khoe ra mình đang dùng iPhone chỉ vì đó là xu hướng. Điện thoại Galaxy, tất nhiên, sẽ trở thành một sự thay thế cho nhóm người dùng “thông thái” hơn.
Chiến lược marketing của Samsung đến đúng lúc thiên thời địa lợi. iPhone từ Apple khi đó đã trở thành một hiện tượng mà chưa có đối trọng thực sự, và Samsung đã tự khẳng định bằng cách trở thành đối trọng đó. Nokia vẫn ngự trên ngôi vương nhưng đau đớn thay họ không thể hiện khả năng thay đổi cùng thị trường. BlackBerry, khi đó còn mang tên Research in Motion, thậm chí không tỏ vẻ hứng thú với thay đổi, người ta đã dự báo cái chết của tên tuổi này rất nhiều lần.
iPhone mỏng, tinh tế và hợp thời. Đơn giản là nó khác biệt, dù thời thế thay đổi rất nhanh.
Trong màn bí mật, Samsung đã bắt đầu kế hoạch gầy dựng lại mảng smartphone với một ý tưởng cốt lõi trong đầu: Bắt chước chiếc iPhone. Bỏ qua các cuộc cãi vã của fan và những kiện cáo ngoài tòa án, khó mà nói Samsung không có ý định đó. Thậm chí có nhiều tài liệu mật chứng minh cho điều này, như một báo cáo 132 trang đưa ra trước tòa, cho thấy Samsung khuyến khích các kỹ sư bắt chước iPhone từng chút một.
Và một khi Samsung đã có một hệ thống smartphone đủ sức cạnh tranh với iPhone, họ sẽ sẵn sàng phi nước đại lên đỉnh thị trường. Vào năm 2015, Samsung bán ra con số phỏng đoán 319,8 triệu thiết bị, cao hơn 88 triệu so với Apple ở vị trí thứ hai.
Con số đó rất ấn tượng nếu không tính đến một con số khác: lượng thiết bị Samsung bán ra vào năm trước đó, 317,2 triệu.
Tăng trưởng smartphone của Samsung giảm. Lý do không phải sản phẩm của họ kém hơn, hay các chiến lược quảng cáo đã chậm lại. Thực tế chứng minh điều ngược lại, Galaxy S6 và Note 5 là hai trong số những smartphone đáng kinh ngạc nhất từng tồn tại, cũng như chi phí quảng cáo của Samsung vẫn ở mức 11 con số mỗi năm. Thị trường không hẳn đã bão hòa, vẫn có hơn 1,4 tỷ smartphone bán ra vào năm 2015.
Mấu chốt ở chỗ: Các smartphone cao cấp nhất của Samsung đơn giản là không gây phấn khích nữa.
Những chiêu trò cũ khó mang lại kết quả mới. Vài tính năng bổ sung, thay đổi cút về thiết kế, kèm theo hàng đống quảng cáo. Năm 2011, Samsung trình diễn vài thứ mới mẻ, năm 2015, Galaxy giống các đối thủ đến khó phân biệt.
Di động màn hình cong của Samsung.
Thậm chí khi Samsung nhận ra điều đó và xây dựng một thứ gì đó mới mẻ, họ vẫn không thể tự mở lối đi riêng. Các thiết bị “cong” của năm 2015 khuấy động thị trường một chút, nhưng khó có thể nói chúng tạo ra được sự phấn khích trên diện rộng.
Tất nhiên, nguồn lực đằng sau những con số phát triển của Samsung không thực sự đến từ các thiết bị cao cấp. Thay vào đó, Samsung đã khéo léo sản xuất hàng loạt sản phẩm mang các tính năng tương tự iPhone và có mức giá khác nhau. Chiến lược này cũng từng thành công, cho khi làn sóng giá rẻ từ phương Đông tràn vào thị trường.
Câu chuyện của iPhone hoàn toàn khác.
Apple chứng kiến iPhone chững lại vào năm 2015, dù vậy, mức tăng trưởng vẫn tăng lên 20%. Các báo cáo quý cuối năm cũng cho thấy những thành tích khổng lồ, dù iPhone 6S và 6S Plus không thực sự đột phá.
Dù vậy, khó mà nói người dùng không phấn khích với hai sản phẩm trên. Và khi 6S đã đi qua, thế hệ iPhone tiếp theo ra mắt 2016 với những thay đổi trong thiết kế cũng sẽ mang khuấy động thị trường một lần nữa.
Nói đơn giản, iPhone từ Apple vẫn là smarphone duy nhất thực sự khiến người dùng toàn cầu phấn khích.
iPhone vẫn được chờ đón.
Nhiều thương hiệu khác cũng làm được điều tương tự. Xiaomi, một startup công nghệ từ Trung Quốc về cơ bản bắt chước mọi chi tiết của iPhone đến mức hoàn hảo, đến mức họ không thể rao bán ở các thị trường nước ngoài vì sợ các đơn kiện từ Apple. Nhưng trên quy mô toàn cầu, thị trường chia ra hai phe: Apple và phần còn lại.
Nhìn lại lịch sử, những tin đồn về sản phẩm sắp ra mắt luôn được người dùng quan tâm. Những thông tin rò rỉ, tin đồn luôn có lượt theo dõi ổn định và trở thành chỉ báo cho sức nóng của sản phẩm đó.
Như thường lệ, các tin đồn về iPhone 7 đã lôi kéo không ít người dùng. Trong khi đó, Galaxy S7 thậm chí chẳng gây hứng thú bằng người tiền nhiệm S6, thậm chí mức quan tâm còn ít hơn S5.
Samsung đang ở vị thế phụ thuộc vào marketing và sự đa dạng của các kênh phân phối. Sức mạnh thương hiệu của họ vượt trội hơn các đối thủ ở nhiều thị trường, gần như đảm bảo cho thành công nhất định. Ít nhất ở thời điểm này.
Nhưng sức mạnh không đồng nghĩa với tăng trưởng, và các tin đồn dường như không đảm bảo gì cho sự tăng trưởng đến từ S7. Cũng không có dấu hiệu gì từ các sản phẩm phổ thông và giá rẻ cho thấy phân khúc này sẽ giúp họ tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo của Samsung sẽ có một năm đầy khó khăn phía trước.
Sẽ không dễ để dẫn đầu thị trường ở thời đại này nếu bạn không khiến người dùng phấn khích khi ra mắt sản phẩm. Trong khi đó, iPhone 7 và 7 Plus nhiều khả năng sẽ tiếp tục lập kỷ lục khi ra mắt. Ở phân khúc cao cấp, sự phấn khích chính là tiền bạc mà bạn thu về.
Lê Phát
Theo Zing
Xem chi tiết tại: Việt Giải Trí với bài viết iPhone là di động duy nhất còn khiến người dùng phấn khích
Tin tức giải trí » Công nghệ
from WordPress http://ift.tt/1PcQXoK
via ban camera ip gia re
0 nhận xét:
Post a Comment